Với đặc trưng là góc tối, nhỏ và không vuông vắn, gầm cầu thang phù hợp bố trí tủ trữ đồ, kệ trang trí, phòng vệ sinh…
Ngoài chức năng chính là phục vụ việc di chuyển giữa các tầng nhà, khu vực cầu thang còn được tận dụng để lưu trữ đồ, trang trí, trồng cây hay thư giãn. Dưới đây là một số gợi ý về cách bố trí gầm cầu thang:
Tủ trữ đồ
Với những ngôi nhà có diện tích không quá lớn, có thể thiết kế gầm cầu thang thành các hệ tủ có khoang rộng. Điều này vừa tối ưu không gian, vừa tăng khả năng lưu trữ đồ dùng, rượu, giầy dép… mà vẫn đảm bảo thẩm mỹ cho công trình.
Lưu ý, nên lựa chọn kệ, tủ có màu sắc và chất liệu gỗ tương đồng với màu sắc nội thất gỗ trong nhà và gầm cầu thang, vì sẽ khiến cho không gian trở nên liền mạch, hài hòa hơn.
Trồng cây
Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan (Mỹ), cây xanh mang lại nhiều giá trị tinh thần, sức khỏe cho gia chủ như thanh lọc không khí, giải tỏa căng thẳng, giúp tinh thần thư giãn, vui vẻ mỗi ngày. Vì vậy, bố trí tiểu cảnh hay trồng cây ở gầm cầu thang là phương án được nhiều gia đình lựa chọn khi trang trí nội thất. Giải pháp này có thể tạo nên một khoảng không gian xanh, đồng thời khắc phục nhược điểm “góc chết” của ngôi nhà.
Gầm câu thang thường ẩm thấp, không có ánh sáng, gia chủ nên lựa chọn những loài cây ưa bóng râm, điển hình như cây vạn niên thanh, hồng môn, kim ngân…
Góc vui chơi, đọc sách
Những gia đình có con nhỏ thường rất cần có không gian vui chơi, giải trí. Tận dụng gầm cầu thang làm phòng chơi cho trẻ em là một phương án phù hợp, đặc biệt với các ngôi nhà phố ở đô thị. Lưu ý nên chọn màu sơn hoặc giấy dán tường giúp làm sáng không gian, đồng thời thiết kế concept theo sở thích của trẻ nhỏ nhằm kích thích trí tò mò, khám phá.
Ngoài ra, khu vực này cũng có thể thiết kế thành thư viện mini kết hợp chỗ ngồi đọc sách yên tĩnh và riêng tư cho cả gia đình.
Kệ tivi
Đây là lựa chọn phổ biến ở những ngôi nhà có diện tích nhỏ, hẹp. Kệ tivi đặt ở gầm cầu thang vừa tạo điểm nhấn, vừa tận dụng tối đa công năng sử dụng.
Nếu muốn không gian phòng khách thông thoáng hơn, nên ưu tiên thiết kế nhỏ gọn, vừa vặn và nương theo lối lên cầu thang.
Phòng vệ sinh
Tầng một của ngôi nhà thường là nơi đón tiếp khách, đặt bàn ăn, nên rất cần bổ sung một phòng vệ sinh riêng để gia đình thuận tiện sử dụng. Nhà vệ sinh phụ thường không cần quá nhiều diện tích, vì không có khu tắm và tần suất sử dụng thấp.
Nếu không đủ diện tích bố trí phòng vệ sinh ở không gian riêng, có thể tận dụng đặt tại gầm cầu thang. Tuy nhiên, cần đảm bảo hệ thống thông gió đầy đủ cho khu vực này, để tránh mùi ẩm thấp.
Theo: VnExpress