Lộ diện 5 thiết kế Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ mới

Các công ty có thiết kế được chọn là Bjarke Ingels Group, DLR Group, Frank Gehry Partners, Perkins & Will và Quinn Evans.

Cuối năm ngoái, Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Hoa Kỳ (NHHC) đã công bố năm thiết kế lọt vào vòng chung kết để khám phá tiềm năng tương lai của Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ. Các công ty có thiết kế được chọn là Bjarke Ingels Group, DLR Group, Frank Gehry Partners, Perkins & Will và Quinn Evans.

Theo kế hoạch, khuôn viên bảo tàng mới sẽ có diện tích khoảng 25.083 mét vuông, trong đó có khoảng 9.290 mét vuông là không gian trưng bày. Ban đầu, 80 công ty đã thể hiện quan tâm đến cuộc thi, trong đó 37 công ty nộp hồ sơ tham gia. Đến giai đoạn cuối, NHHC đã chọn ra năm công ty vào vòng chung kết.

Các thiết kế lọt vào vòng chung kết sẽ được trưng bày cho công chúng xem tại Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington. Ngoài ra, NHHC có kế hoạch tổ chức một triển lãm công cộng bổ sung vào mùa hè này. Theo Charles Swift, Quyền Giám đốc Bảo tàng Hải quân Hoa Kỳ, người giám sát cuộc thi, thiết kế chiến thắng sẽ được quyết định sau nhiều bước tuyển chọn nữa.

Trước khi công bố dự án chiến thắng, bảo tàng có kế hoạch đối thoại với đại điện của các đơn vị hải quân, cựu chiến binh và chính phủ về những ý tưởng thiết kế lọt vào vòng chung kết rồi đưa ra quyết định cuối cùng.

Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ mới sẽ có sức chứa lớn hơn rất nhiều so với bảo tàng hiện có. Theo dự tính, bảo tàng sẽ xây thêm một tòa nhà mới và cải tạo các tòa nhà cũ. Những dự án lọt vào vòng chung kết bao gồm thiết kế của lối vào bảo tàng, giếng trời, sân nghi lễ và sự kết hợp của một số đồ tạo tác lớn của hải quân, như máy bay, thuyền và cánh buồm của tàu ngầm.

Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được trưng bày năm thiết kế nổi bật về tương lai của Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ. Mỗi ý tưởng là khác nhau, tất cả đều tôn vinh những thành tựu của hải quân, của cựu chiến binh và chỉ ra con đường hướng tới tương lai của hải quân”.

Thiết kế lấy cảm hứng từ xưởng đóng tàu chiến của Bjarke Ingels Group

Thiết kế của Bjarke Ingels Group bao gồm 5 khối xếp lần lượt, trong đó ba khối cuối hơi nhấp nhô ở phía sau. Theo giải thích của Bjarke Ingels Group, phần cuối của các khối này hoạt động giống như các nhà kính lớn mở ra khung cảnh đường phố, chào đón du khách và người dân địa phương bằng một cái nhìn ấn tượng về bộ sưu tập hiện vật bên trong và bên ngoài của bảo tàng.

Ông Bjarke Ingels, Giám đốc Sáng tạo của Bjarke Ingels Group cho biết: “Ý tưởng thiết kế của chúng tôi được lấy cảm hứng từ di sản tuyệt đẹp của các tòa nhà trong xưởng đóng tàu chiến. Hải quân thuộc về nước, vì vậy chúng tôi đặt bảo tàng trong nước. Một loạt các tòa nhà dài và nhỏ xếp thành hàng dọc theo đường phố chính trưng bày các hiện vật có kích thước thật từ năm nhánh của hải quân: tàu chiến hải quân, tàu ngầm hải quân, thám hiểm, hàng không và vũ trụ”.

Ông Ingels nói thêm rằng: “Năm tòa nhà hòa quyện với nhau để tạo thành một giếng trời cực lớn xếp tầng từ mái nhà đến mặt đất, nơi tất cả các cuộc triển lãm sẽ có thể tiếp cận trực quan và thực tế hơn. Không gian rộng lớn này cũng sẽ đóng vai trò là bối cảnh hoành tráng cho các buổi lễ vinh danh những người đã phục vụ trong lực lượng hải quân. Theo tưởng tượng, bảo tàng sẽ là một trong những điểm đến thu hút của lực lượng hải quân”.

Thiết kế lấy cảm hứng từ xưởng đóng tàu chiến của Bjarke Ingels Group

Thiết kế lấy cảm hứng từ xưởng đóng tàu chiến của Bjarke Ingels Group

Thiết kế lấy cảm hứng từ xưởng đóng tàu chiến của Bjarke Ingels Group

Thiết kế bằng kính của Frank Gehry Partners

Frank Gehry Partners đã gửi đến cuộc thi một thiết kế trông như một khối hộp kính lớn với phần mái toàn bộ bằng kính. Bên trong được trang trí bằng một loạt hiện vật, hình ảnh và các mô hình minh họa cỡ lớn. Trong bảo tàng do Frank Gehry Partners thiết kế, các hình vuông, hình tròn và các đường thẳng sẽ là những hình khối và đường nét chủ đạo trong không gian nội thất.

Thiết kế bằng kính của Frank Gehry Partners

Thiết kế bằng kính của Frank Gehry Partners

Perkins & Will gửi đến một thiết kế như cánh buồm

Perkins & Will đã thiết kế một tòa nhà “có tính tương tác cao”, mời du khách tham gia một hành trình trải nghiệm qua quá khứ, hiện tại và tương lai của hải quân. Lấy cảm hứng từ các giá trị và thuộc tính cốt lõi của hải quân là sức mạnh, cam kết, chính trực, can đảm, danh dự và sáng kiến, tòa nhà được nghiên cứu và cung cấp thông tin từ những cuộc phỏng vấn với các thủy thủ kỳ cựu của Hải quân Hoa Kỳ.

Được thiết kế với hình dạng tương tự như cánh buồm, tòa nhà giống như một đội tàu lướt trên mặt đại dương, đại diện cho sức mạnh và thiết lập mối liên hệ rõ ràng với vùng biển, vùng trời và đất liền.

Johnson, giám đốc thiết kế toàn cầu của Perkins & Will cho biết: “Ý tưởng của chúng tôi là đặt du khách vào điểm giao nhau của ba lực lượng cơ bản: đất liền, vùng biển và vùng trời đã hình thành nên Hải quân Hoa Kỳ. Đó là một biểu hiện hữu hình của danh dự, lòng dũng cảm và cam kết của Hải quân”.

Perkins & Will gửi đến một thiết kế như cánh buồm

Perkins & Will gửi đến một thiết kế như cánh buồm

Tòa nhà kết hợp giữa nước, bầu trời và không gian của DLR Group

Thiết kế của DLR Group là một tòa nhà kết hợp giữa nước, bầu trời và không gian. Phần nhìn của bản thiết kế bao gồm các tính năng nước ở nền móng, lối vào và sân nghi lễ của tòa nhà.

Mang hình dáng kết tinh, diện mạo tổng thể của tòa nhà tượng trưng cho nước thông qua các bề mặt phản chiếu của nó. DLR Group giới thiệu: “Các bề mặt, góc cạnh của tòa nhà được tạo ra để phản chiếu mặt phẳng mặt đất và sân thượng của nó trên nhiều tầng với nước hoặc bầu trời”.

Tòa nhà được tạo thành từ ba phần: khối lượng triển lãm nổi bật, cấu trúc lịch sử và phần phụ trợ. Chỉ có một lối vào chính duy nhất được tiếp cận thông qua một đoạn đường dốc xen giữa mặt nước, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy giếng trời bên trong tòa nhà. Du khách sẽ đi lên thông qua thang máy di chuyển lên tầng cao nhất của bảo tàng và đi theo các lối đi có dốc để đến các phòng trưng bày. Sân hiên trên cao được thiết kế ở nhiều tầng, sân trong và giếng trời, tất cả đều được mở rộng tối đa bởi cảnh quan, chỗ ngồi và đồ tạo tác, mang lại khả năng sử dụng linh hoạt cho các sự kiện.

Tòa nhà kết hợp giữa nước, bầu trời và không gian của DLR Group

Tòa nhà kết hợp giữa nước, bầu trời và không gian của DLR Group

Quinn Evans và ngọn hải đăng dành cho giáo dục và các sự kiện công cộng

Quinn Evans đã hình dung tòa nhà Bảo tàng Hải quân Quốc gia Hoa Kỳ mới là một “ngọn hải đăng trong cộng đồng dành cho giáo dục và các sự kiện công cộng”. Các góc cạnh của tòa nhà được nâng lên khỏi mặt đất bằng một hộp kính từ sàn đến trần, bảo tàng bao gồm sáu tòa nhà chính được sắp xếp thành một hàng.

Khu phức hợp bảo tàng được lên kế hoạch để chứa tòa nhà chung, lối vào chính, sảnh trung tâm (theo phong cách kiến trúc La Mã), không gian trưng bày, sân “danh dự” nghi lễ và đồ tạo tác cỡ lớn.

Đề xuất của công ty Quinn Evans cho bảo tàng là một không gian hiện đại, hướng ra công chúng bao gồm một tòa nhà mới và sân nghi lễ, cũng như khả năng cải tạo các tòa nhà lịch sử hiện có. Quinn Evan cho biết: “Mục tiêu của bảo tàng mới là cung cấp một cách tiếp cận lịch sử mới mẻ và năng động hơn, cũng như thay đổi cách mọi người nghĩ về các tổ chức lịch sử”.

Quinn Evans và ngọn hải đăng dành cho giáo dục và các sự kiện công cộng

Quinn Evans và ngọn hải đăng dành cho giáo dục và các sự kiện công cộng

Theo: The Architect’s Newspaper

Tin liên quan