Nếu các bạn có tìm hiểu về các sản phẩm chiếu sáng nói chung và đèn led nói riêng, chắc hẳn các bạn cũng đã bắt gặp một số ký hiệu trên vỏ đèn như CE, FCC, CCC… Vậy ý nghĩa của những tiêu chuẩn đó là gì.
Trong bài viết này, Galaxy Lighting Solutions sẽ giới đến các bạn một số tiêu chuẩn phổ biến trong sản xuất đèn led để các bạn tham khảo.
Tiêu chuẩn CE
CE (Conformité Européenne) được đưa ra vào năm 1985 bởi một nghị quyết của Hội đồng Châu Âu (European Council) nhằm giảm bớt các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm thương mại trong Châu Âu.
Chứng nhận CE là chỉ thị an toàn của Liên Minh Châu Âu (EU) thể hiện sản phẩm đã vượt qua một số thử nghiệm nhất định và được phép bán trên thị trường EU và Khu vực Kinh tế Châu Âu. Đối với một số sản phẩm, dấu chứng nhận CE có thể do nhà sản xuất tự thực hiện. Với những sản phẩm khác, công ty cung cấp dịch vụ dấu chứng nhận CE sẽ tiến hành thử nghiệm.
Tiêu chuẩn ENEC
Tiêu chuẩn ENEC (European Norms Electrical Certification) là nhãn hiệu chất lượng cao của Châu Âu danh cho các sản phẩm điện thể hiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Châu Âu.
ENEC là một phần của nhãn hiệu thương mại đã đăng ký để chứng minh rằng một sản phẩm đã được chứng nhận bởi một trong những viện chứng nhận quốc gia ở Châu Âu. ENEC ra đời với mục đích cung cấp nhãn hiệu chứng nhận trên toàn Châu Âu cho các thiết bị chiếu sáng. Đến năm 1999, tiêu chuẩn này mở rộng sang các sản phẩm công nghệ thông tin, máy biến áp, thiết bị điện văn phòng, công tắc…
Tiêu chuẩn CCC
CCC (China Compulsory Certificate) là dấu chứng nhận an toàn bắt buộc của Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm được nhập khẩu, bán và sử dụng tại thị trường Trung Quốc. CCC bắt đầu được áp dụng vào ngày 01/05/2002 và có hiệu lực hoàn toàn vào ngày 01/08/2003.
CCC được áp dụng cho 20 nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm thiết bị chiếu sáng, sản phẩm công nghệ thông tin, dây và cáp điện, máy móc nông nghiệp, thiết bị đầu cuối viễn thông, thiết bị chữa cháy, vật liệu trang trí, đồ chơi…
Tiêu chuẩn FCC
FCC (Federal Communications Commission) là chứng nhận được cấp bởi Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ và được áp dụng cho các phương tiện liên lạc bằng vô tuyến, truyền hình, dây, vệ tinh và cáp trên khắp liên bang Hoa Kỳ.
FCC còn được biết đến với tên gọi Tuyên bố Hợp chuẩn FCC. Bản chất của chứng nhận này là để kiểm duyệt và đảm bảo rằng sản phẩm không có sự nhiễu động điện từ vượt quá giới hạn cho phép.
Theo quy định của FCC, các sản phẩm đèn LED chiếu sáng cần phải tuân thủ các quy tắc của FCC để đảm bảo rằng các thiết bị này không gây nhiễu có hại cho các dịch vụ truyền thông vô tuyến.
Tiêu chuẩn VDE
VDE (Verband der Elektrotechnik) là chứng nhận được cung cấp bởi Hiệp hội Công nghệ Điện, Điện tử và Thông tin của Đức. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra và chứng nhận các công cụ và thiết bị điện đạt tiêu chuẩn. Viện Thử nghiệm và Chứng nhận VDE là một tổ chức được công nhận trong nước và quốc tế trong lĩnh vực các thiết bị, linh kiện và hệ thống kỹ thuật điện.
Là một tổ chức trung lập và độc lập, các phòng thí nghiệm của VDE áp dụng cho việc kiểm tra các sản phẩm điện theo tiêu chuẩn quốc gia VDE của Đức hoặc các tiêu chuẩn Châu Âu EN hoặc các tiêu chuẩn của Tổ chức Cơ điện Quốc tế IEC. Ở nhiều quốc gia, nhãn hiệu VDE thậm chí còn nổi tiếng hơn nhãn hiệu chứng nhận tại quốc gia của nó và được các nhà nhập khẩu và xuất khẩu đặc biệt công nhận và đánh giá cao.
Tiêu chuẩn RoHS
RoHS (Restrict of Hazardous Substances) là tiêu chuẩn được ban hành bởi Liên minh Châu Âu thông qua các chỉ thị, quy định về hạn chế sử dụng một số chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử.
Tiêu chuẩn RoHS được áp dụng cho các nhóm sản phẩm sau đây: thiết bị gia dụng lớn, thiết bị gia dụng nhỏ, thiết bị công nghệ thông tin & viễn thông, thiết bị tiêu dùng, thiết bị chiếu sáng, dụng cụ điện và điện tử, đồ chơi, giải trí và thiết bị thể thao, thiết bị y tế, các công cụ giám sát và kiểm soát, máy rút tự động và thiết bị bán dẫn.
Theo tiêu chuẩn RoHS, các hóa chất độc hại bị hạn chế sử dụng trong các sản phẩm điện, điện tử là chì (pb), thủy ngân (hg), cadmium (cd), crom hóa trị sáu (cr 6+), biphenyl đa bội (pbb), ether diphenyl polybrominated (pbde), bis (2-ethylhexyl) phthalate (dehp), butyl benzyl phthalate (bbp), dibutyl phthalate (dbp), và diisobutyl phthalate (dibp).
Tại Việt Nam, Bộ Công Thương cũng có hai văn bản liên quan đến tiêu chuẩn RoHS trong sản xuất, bao gồm:
- Thông tư 30/2011/TT-BCT Thông tư quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử.
- Quyết định 4693/QĐ-BCT Quyết định 4693/QĐ-BCT năm 2011 đính chính Thông tư 30/2011/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.
Tiêu chuẩn UL
UL (Underwriters Laboratory) là chứng nhận được cấp bởi Tổ chức Hợp tác giữa Các Phòng thí nghiệm, được sáng lập năm 1894 với trụ sở chính đặt tại Northbrook, Illinois, Mỹ.
UL hiện đang thực hiện ba nhiệm vụ chính, bao gồm cung cấp dịch vụ thử nghiệm sản phẩm và vật liệu liên quan đến những nguy hiểm tác động đến cuộc sống hoặc tài sản, lập danh mục các sản phẩm hàng hóa an toàn và xây dựng tiêu chuẩn. Các sản phẩm có tên trong danh mục UL-listed có nghĩa là thiết bị đó đã được UL kiểm tra và xác nhận đạt tiêu chuẩn an toàn của UL.
Hầu hết tất cả các tiêu chuẩn kiểm nghiệm của UL đều dựa trên tiêu chuẩn của riêng họ và tham chiếu thêm tiêu chuẩn ANSI, ASTM, BHMA… của Hoa Kỳ để tiến hành đánh giá. Chính vì vậy, tiêu chuẩn UL được biết đến là tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.